Mô hình nghiên cứu chuỗi giá trị của Michael Poter
Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần phải phân tích kỹ lưỡng môi trường bên trong của doanh nghiệp nhằm xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình, từ đó doanh nghiệp cần có biện pháp để cải tổ, thay đổi những yếu tố tác động xấu đến doanh nghiệp, phát huy những điểm mạnh để đạt được ưu thế cạnh tranh tối đa.
Việc phân tích môi trường bên trong để xác định những điểm mạnh, điểm yếu gắn với quá trình phân tích dây chuyền chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Do vậy mà doanh nghiệp đều muốn cố gắng phát triển lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên lợi thế cạnh tranh thường dễ bị mất dần do những hành động bắt chước của đối thủ. Do đó cần sớm nhận thức được tác động của các nhân tố bên ngoài cũng như phân tích và tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực của công ty và khai thác tốt chúng thì doanh nghiệp sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh bền vững.
1. Chuỗi giá trị của doanh nghiệp
Michael Porter, Chuỗi giá trị của doanh nghiệp là một chuỗi hoạt động chuyển hóa các yếu tố đầu vào thành đầu ra. Khách hàng sẽ nhìn nhận và đánh giá giá trị các sản phẩm (đầu ra) của doanh nghiệp theo quan điểm của họ. Khách hàng sẽ sẵn sàng trả mức cao hơn cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nếu như họ đánh giá cao và ngược lại, nếu họ đánh giá thấp họ sẽ trả mức giá thấp. Do đó hoạt động của doanh nghiệp là các hoạt động chuyển hóa làm gia tăng giá trị sản phẩm.
2. Mô tả chuỗi giá trị của doanh nghiệp
Để hiểu rõ hơn về các hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát triển lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng. Một công cụ hữu ích để phân cách doanh nghiệp trong một chuỗi các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng được gọi là: value chain.
Theo Michael Porter, chuỗi giá trị (Value chain) là một mô hình thể hiện một chuỗi các các hoạt động tham gia vào việc tạo ra giá trị của sản phẩm và thể hiện lợi nhuận từ các hoạt động này. Các chuỗi hoạt động này có thể diễn ra theo thứ tự nối tiếp nhau hoặc theo thứ tự song song. Mô hình này phù hợp ở cấp độ đơn vị kinh doanh (business unit) của một ngành cụ thể.
Chuỗi giá trị bao gồm 3 thành phần:
2.1 Hoạt động chính
Bao gồm các hoạt động liên quan trực tiếp đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong mọi doanh nghiệp, các hoạt động chính có thể chia làm năm loại tổng quát như hoạt động đầu vào, chế tạo (sản xuất), hoạt động đầu ra, tiếp thị và bán hàng và dịch vụ hậu mãi. Mỗi loại lại được chia thành nhiều hoạt động riêng rẽ, tùy thuộc vào từng ngành và chiến lược riêng của doanh nghiệp:
Hoạt động đầu vào (Inbound Logistics): Các hoạt động liên quan đến tiếp nhận hàng tồn kho, phân phối các đầu vào của sản phẩm chẳng hạn như quản lý nguyên vật liệu, lưu kho và quản lý tồn kho, kiểm soát chi phí đầu vào...
Hoạt động sản xuất (Operations): Bao gồm tất cả các hoạt động nhằm chuyển các yếu tố đầu vào thành sản phẩm cuối cùng như triển khai sản xuất, quản lý chất lượng, vận hành và bảo trì thiết bị...
Hoạt động đầu ra (Outbound Logistics): Bao gồm các hoạt động nhằm đưa sản phẩm đến các khách hàng của công ty: bảo quản, quản lý hàng hóa, phân phối, xử lý các đơn hàng.
Bán hàng và tiếp thị (Marketing & sales): Các hoạt động liên quan đến việc cung cấp phương tiện để khách hàng mua sản phẩm ví dụ như quảng cáo, khuyến mãi, bán hàng, báo giá, lựa chọn kênh phân phối, quan hệ với các kênh phân phối và làm giá. Đây là hoạt động có vai trò quan trọng, nếu thực hiện kém sẽ làm cho ba hoạt động trên kém theo.
Dịch vụ hậu mãi (Service): Đây cũng là hoạt động quan trọng, ngày càng được các nhà quản trị quan tâm. Nó bao gồm các hoạt động liên quan đến cung cấp các dịch vụ nhằm tăng cường hoặc duy trì giá trị của sản phẩm như lắp đặt, sửa chữa, huấn luyện khách hàng, cung cấp phụ tùng, điều chỉnh sản phẩm, giải quyết các thắc mắc và khiếu nại của khách hàng.
2.2 Hoạt động hỗ trợ
Là những hoạt động tác động một cách gián tiếp đến sản phẩm và nhờ nó mà các hoạt động chính được thực hiện một cách tốt hơn. Dạng chung nhất của hoạt động hỗ trợ bao gồm các hoạt động như cấu trúc hạ tầng doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực, phát triển công nghệ và mua hàng.
Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp
Bao gồm nhiều hoạt động như quản trị tổng quát, lập kế hoạch, tài chính kế toán, pháp lý, tương tác với cơ quan nhà nước, quản trị chất lượng, hệ thống thông tin và quản lý chung. Đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ các hoạt động trong dây chuyền giá trị kể cả các hoạt động chính cũng như các hoạt động hỗ trợ khác.
Quản lý nguồn nhân lực:
Bao gồm nhiều hoạt động liên quan đến tuyển dụng, thuê lao động, huấn luyện, phát triển và vấn đề thu nhập của tất cả các loại nhân sự. Quản lý nguồn nhân lực hỗ trợ các hoạt động chính cũng như các hoạt động hỗ trợ khác. Quản lý nguồn nhân lực giúp nhà quản trị xác định khả năng hiện tại, xem xét và đánh giá tay nghề, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và kết quả đạt được của từng nhân viên, từ đó hoạch định các kế hoạch đào tạo, huấn luyện … để nâng cao chất lượng.
Phát triển công nghệ
Công nghệ được triển khai rộng khắp trong nhiều doanh nghiệp. Công nghệ gắn liền với tất cả các hoạt động tạo giá trị trong một doanh nghiệp. Nó gắn liền với việc đổi mới và đầu tư công nghệ- kỹ thuật, khai thác và sử dụng thiết bị mới, khả năng cạnh tranh công nghệ. Phát triển công nghệ bao gồm nhiều hoạt động có thể tập hợp lại trên diện rộng thành những nổ lực để cái tiến sản phẩm và quy trình. Phát triển công nghệ có khuynh hướng kết hợp với bộ phận kỹ sư hoặc nhóm phát triển. Phát triển công nghệ có thể hỗ trợ bất cứ loại công nghệ nào hiện diện trong các hoạt động giá trị, ví dụ như phát triển công nghệ viễn thông cho hệ thống đặt hàng, tự động hóa văn phòng cho bộ phận kế toán…
Mua hàng
Đây là hoạt động thu mua các yếu tố đầu vào được sử dụng trong dây chuyền giá trị của doanh nghiệp. Công tác thu mua đầu vào bao gồm nguyên liệu thô, các nguồn cung ứng và những sản phẩm để tiêu thụ khác cũng như các tài sản: máy móc, thiết bị thí nghiệm, thiết bị văn phòng, nhà xưởng… Các hoạt động thu mua này thường liên kết với các hoạt động chính nhưng chúng cũng xuất hiện trong mọi hoạt động của chuỗi giá trị kể cả hoạt động hỗ trợ. Ví dụ như các nguồn cung ứng cho việc thí nghiệm và dịch vụ thử nghiệm độc lập là đầu vào của phát triển công nghệ. Các hoạt động mua sắm được hoàn thiện sẽ dẫn tới yếu tố đầu vào có chất lượng tốt hơn với mức chi phí thấp.
2.3 Lợi nhuận
Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Doanh nghiệp sẽ được coi như là có lợi nhuận nếu như doanh thu bán hàng lớn hơn chi phí bỏ ra. Trong mô hình chuỗi giá trị thì doanh thu chính là giá trị bán ra của các hàng hóa và các giá trị này được tạo ra thông qua các hoạt động được thể hiện trên mô hình về chuỗi giá trị. Chi phí chính là các khoản tiêu hao để thực hiện các hoạt động trên.